Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối mặt với biến động tỉ giá
Lạm phát toàn cầu gia tăng cùng với những biến động tỉ giá đang là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022.
Áp lực
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), vấn đề lạm phát và biến động tỉ giá đang tác động làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của thị trường. Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 850 triệu USD. Dù vẫn cao hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây là lần đầu sau 7 tháng, xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD.
VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản trong quý IV/2022 sẽ khó tăng trưởng cao như đầu năm. Để đảm bảo sản xuất và xuất khẩu thủy hải sản trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thủy sản mới đây cũng đã chỉ đạo ngành nuôi trồng tổ chức lại sản xuất, tận dụng nguyên liệu thức ăn thủy sản trong nước để giảm giá thành, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, mở rộng và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới trong lúc thị trường truyền thống biến động.
Là doanh nghiệp xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, việc tỉ giá tăng cũng gây nhiều áp lực đối với các doanh nghiệp dệt may. Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, doanh nghiệp không thể vui bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu liên tục tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỉ giá hầu như không đáng kể.
Ngoài ra theo ông Phạm Xuân Hồng, vấn đề lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu ép giá. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam đang phá giá đồng tiền mạnh khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh, đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Nỗ lực cân bằng
Dù 9 tháng đầu năm cả nước vẫn xuất siêu 6,52 tỉ USD, nhưng theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân là lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, tỉ giá biến động, nguy cơ suy thoái kinh tế nhất là tại những thị trường xuất khẩu lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc ổn định tỉ giá hết sức quan trọng vì không chỉ giúp ổn định vĩ mô, giữ được dòng tiền trong nước mà còn hạn chế nhập khẩu lạm phát. Muốn giữ ổn định tỉ giá thì phải chấp nhận một mặt bằng lãi suất cao hơn và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với việc hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, mục tiêu quan trọng nhất mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện tại cần hướng đến là kiểm soát lạm phát. Nếu đồng tiền mất giá mạnh, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đây cũng là lý do NHNN đang cố giữ bằng được chốt chặn tỉ giá, kể cả chấp nhận tăng lãi suất và quyết không nới room tín dụng.
Đề cập đến vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng động thái nới biên độ tỉ giá mới đây của NHNN là giải pháp phù hợp, hóa giải các khó khăn về cung cầu ngoại tệ. Vì khi điều chỉnh biên độ giao ngay, thì việc đầu tiên là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường chợ đen sẽ giảm. Các ngân hàng thương mại có thể bán được USD giá cao, cũng có thể mua được USD giá thấp.
Như vậy, hoạt động đầu cơ USD được giảm đi, các hoạt động mua bán USD từ ngân hàng để tuồn ra chợ đen để giao dịch lại sẽ được hạn chế. Khi NHNN điều chỉnh biên độ giao dịch, sẽ có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nữa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Dù vậy, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, khi NHNN điều chỉnh biên độ giao ngay của đồng USD, sẽ tăng áp lực lên các doanh nghiệp nhập khẩu. Những doanh nghiệp nhập khẩu phải mua USD giá cao dẫn đến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng lên, do vậy giá thành đầu ra sản phẩm sẽ tăng lên. Kể cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỉ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay với các doanh nghiệp phải vay nợ nước ngoài.
nguồn: laodong.vn